Khảo cổ tại di tích Thái Tổ Miếu, Đại nội Huế: Phát lộ nhiều dấu tích và kết cấu quan trọng

VHO- Sau gần 1,5 tháng thực hiện công tác khai quật khảo cổ tại di tích Thái Tổ Miếu (Đại nội Huế), nhiều dấu tích quan trọng về công trình này đã được phát lộ. Qua đó, giúp các đơn vị chuyên môn xác định được vị trí, kết cấu của công trình, góp phần quan trọng để thẩm định dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thái Miếu (giai đoạn 1).

Khảo cổ tại di tích Thái Tổ Miếu, Đại nội Huế: Phát lộ nhiều dấu tích và kết cấu quan trọng - Anh 1

 Công trình Thái Tổ Miếu hiện hữu được bà Từ Cung cho xây dựng lại vào năm 1972 trên nền Thái Tổ Miếu gốc, nay cũng đã xuống cấp nghiêm trọng

 Thái Tổ Miếu là công trình miếu thờ được xây dựng sớm nhất ở khu vực Kinh thành Huế, ngay sau khi vua Gia Long lên ngôi. Đây là nơi thờ 9 vị chúa Nguyễn và là công trình kiến trúc bằng gỗ có quy mô lớn bậc nhất ở trong Đại nội Huế, với 15 gian 2 chái (dài khoảng 70 mét). Việc trùng tu, bảo tồn di tích này cần được cân nhắc thận trọng, do đó Bộ VHTTDL đã cho phép khai quật khảo cổ tại di tích Thái Tổ Miếu nhằm mục đích nghiên cứu và bổ sung hồ sơ xây dựng dự án.

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai công tác khảo cổ tại di tích Thái Tổ Miếu, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 10.10 tới. Theo TS Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế), công trình di tích Thái Tổ Miếu có diện tích hơn 1.900m2, được phép thực hiện khai quật khảo cổ với diện tích 952m2 tập trung ở các vị trí, khu vực quan trọng để làm rõ một số nội dung phục vụ công tác triển khai dự án bảo tồn, trùng tu công trình. Cụ thể, mục đích của đợt khảo cổ lần này nhằm làm xuất lộ các dấu vết của nền móng tường bao qua các thời kỳ (từ thời vua Gia Long đến vua Khải Định); xác định vị trí và kết cấu của bậc cấp trên 4 mặt, gạch lát nền, nền móng đường Thần đạo và sân gạch phía trước; xác định bước gian bước cột, cách gia cố móng chân tảng kê cột, sân vườn và hệ thống thoát nước bề mặt ở phía đông và phía tây của di tích.

Đến thời điểm hiện tại, cuộc khai quật khảo cổ đã xuất lộ nhiều dấu tích và xác định được các vị trí, kết cấu quan trọng của công trình Thái Tổ Miếu, như: Nền móng và bậc cấp mặt trước nguyên gốc của công trình, tuy đã bị tháo dỡ đi nhưng mặt sau vẫn còn; phát hiện và xác định hệ thống đường Thần đạo của công trình (với sự tồn tại của đá thanh); xác định được khu vực sân phía trước Thái Tổ Miếu có lát gạch Bát Tràng; xác định nền lát gạch Bát Tràng của hai chái 2 bên và chái phía sau của công trình…

“Hệ thống nền móng của công trình Thái Tổ Miếu còn tồn tại khá nhiều, nhưng có một số chân đá táng đã bị xê dịch. Đặc biệt, công trình Thái Tổ Miếu mà bà Từ Cung cho dựng lại năm 1972 không theo một nguyên tắc nào cả. Lúc đó, họ đã tận dụng nền cũ, cho phá dỡ nền phía trước để lấy gạch vào dựng công trình; bước gian, bước cột thì thu hẹp lại để tận dụng những gì còn lại nhằm tạm thời có công trình thờ các chúa Nguyễn. Công trình Thái Tổ Miếu được phục dựng tại thời điểm này, các chân đá táng chính (4 cột chính hay gọi là tứ trụ) đã bị xê dịch toàn bộ. Cho nên khi khai quật khảo cổ, chúng tôi muốn xác định được vị trí của 4 trụ chính này, và đến giờ đã xác định được. Điều này đặc biệt quan trọng vì đó là các trụ chính ở trục trung tâm của công trình nguyên gốc”, bà An Hòa cho biết.

Trước khi khảo cổ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu để xác định được vị trí cần khảo cổ và mục đích, kết quả của cuộc khảo cổ hướng đến. Trong đó, may mắn là nguồn tư liệu của Châu bản triều Nguyễn đã ghi chép rất cụ thể về các đợt trùng tu, tu bổ Thái Miếu dưới thời vua Thiệu Trị, Tự Đức; qua đó, xác định được vị trí khảo cổ phù hợp. “Quá trình khai quật khảo cổ, những nội dung đã thể hiện trong tài liệu viết và xác định trên hiện trạng vết tích khảo cổ là phù hợp. Điều này rất thuận tiện và là chứng cứ quan trọng để phục vụ cho công tác thẩm định dự án trùng tu Thái Miếu một cách bài bản và chuẩn xác”, TS Lê Thị An Hòa nhấn mạnh.

Trước đó, tháng 5.2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Nghị quyết 35/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu” (giai đoạn 1). Dự án có tổng kinh phí dự kiến hơn 272,7 tỉ đồng, tập trung vào các hạng mục: Hạ giải, phân loại, đánh giá và bảo quản, lưu giữ hiện vật của công trình Thái Tổ Miếu hiện hữu; phục hồi toàn bộ công trình Thái Tổ Miếu theo yếu tố nguyên gốc có diện tích 1.917m2; phục hồi, gia cường nền móng cho công trình Thái Miếu Môn (cổng vào di tích Thái Miếu) có diện tích 54m2; tu bổ, phục hồi sân nền, đường dạo, lắp đặt hệ thống điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy; quy hoạch và bảo tồn, chỉnh trang hệ thống cây xanh trong khu vực di tích Thái Miếu… Dự án sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm kể từ khi khởi công.

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc